TƯƠNG KÍNH

Trong mọi mối quan hệ, sợi dây thắt chặt tính bền vững và là nguồn dưỡng chất nuôi dưỡng mối quan hệ ấy là sự kính trọng và đặc biệt là trong mối quan hệ tình cảm và hôn nhân.

Chắc có lẽ vì vậy mà ông bà ta thường muốn cho cuộc sống hôn nhân bền vững, thì ta phải “tương kính như tân”, có nghĩa là đối xử tiếp xúc với người kia như “mới”.

Dù ta sống với người ấy 20 năm rồi hoặc hơn, nhưng đừng có nghĩ rằng ta đã khám phá hết người ấy, ta đã thực sự hiểu hết người ấy, ta đã thực sự hiểu hết người ấy. Không đâu! Làm sao ta có thể hiểu hết người đó nếu như ta còn chưa hiểu hết chính mình. Làm sao ta có thể biết được người đó nếu như ta còn chưa biết mình là ai.

Chính cái ý nghĩ rằng ta đã biết hết, hiểu hết về người kia rồi sẽ ngăn trở ta tiếp tục khám phá người bạn đời của mình, và vì ta đã biết hết rồi, hiểu hết rồi, người kia chưa mở miệng ta đã biết họ muốn nói gì , làm gì …. Và đó cũng chính là lý do ta không còn kính người ấy như tân nữa.

Một khi sự kính trọng không còn, hoặc giảm đi nhiều thì sự bực bội, thái độ phản ứng bắt đầu hình thành trong tâm trí trước bất kỳ những gì người kia làm hay nói. Rồi ta thắc mắc với chính mình rằng, tại sao với người ngoài ta có thể nhẫn nhịn được , ta lại có thể dễ dàng cho qua những điều trái ý nghịch lòng, còn với người ta luôn gặp hàng ngày, tiếp xúc hàng ngày ta lại không làm được thế.

Câu trả lời rất đơn giản, bởi vì yếu tố “tương kính như tân” đã giảm dần về hướng zero.

Kính trọng nhau là yếu tố cơ bản để duy trì một mối quan hệ tốt đẹp, và điều này đúng không chỉ cho mối quan hệ hôn nhân thôi, mà sẽ đúng cho mối quan hệ khác như tình bạn, thầy trò, đối tác làm ăn, mối liên hệ giữa cha con, mẹ con.

Dù mình là người bố, người mẹ mà mình tôn kính trọng con cái như các con mình đang là, thì sợi dây tính cảm sẽ thắt chặt hơn. Con cái sẽ tâm sự, chia sẻ buồn vui với mình nhiều hơn.

Tôn trọng con của mình sẽ không bao giờ là điều thiệt thòi. Bởi vì chính sự tôn trọng con, mà mình sẽ không áp đặt quyền làm cha mẹ lên trên con. Vì không áp đặt quyền cha mẹ lên con nên mình có thời gian lắng nghe, có thời gian quán sát để hiểu, để cảm thông được những ước muốn, nhu cầu của con…. Và do đó mình có thể định hướng được cho con theo sở thích, tài năng của con mà không phải theo sở thích và ước muốn của mình. Không tạo thêm áp lực cho con.

Nhiều phụ huynh mắc phải lỗi này, chỉ muốn con làm theo những gì mình muốn mà không có thời gian nhìn lại, lắng nghe. Nhìn lại, lắng nghe sâu chân thành chính là sự kính trọng.

Nếu trong các mối quan hệ ta luôn biết nhìn lại, lắng nghe sâu, ta biết kính trọng đối phương thì sẽ ngăn ngừa rất nhiều đổ vỡ, thương tổn. Và cả hai sẽ có cơ hội hiểu nhau sâu hơn, một khi hiểu nhau sâu hơn thì sự thương quý cũng sâu hơn và nhờ vậy dung lượng trái tim của hai bên cũng ngày một lớn dần lên để dung chứa và tha thứ những lỗi lầm của nhau.

Thương yêu và kính trọng

Giúp ta hạnh phúc hơn

Trong các mối quan hệ

Bền chặt và sắt son

(Trích Trọn vẹn, cảm nhận, yêu thương – Pháp Nhật )

 

Published by

X