Lᴀ̀ᴍ Cᴀ́ᴄʜ Nᴀ̀ᴏ Đᴇ̂̉ Nʜᴀ̣̂ɴ Rᴀ Cᴏɴ Nɢᴜ̛ᴏ̛̀ɪ Cʜᴀ̂ɴ Tʜᴀ̣̂ᴛ Cᴜ̉ᴀ Cʜɪ́ɴʜ Bᴀ̣ɴ

Đi vào trong sự Tĩnh Lặng chính là đi vào con Người chân thật của chính mình. Con Người chân thật của chính mình luôn có đó, tĩnh lặng sáng ngời, không hình tướng và đầy nhận biết.
Con Người chân thật này luôn có Bình An và Phúc Lạc. Con Người chân thật này chưa bao giờ đồng nhất với bất kì một sự kiện nào đang diễn ra trong Thân- Tâm- Cảnh. Do đó con Người chân thật ấy luôn tự do, tự tại và vượt thoát. Không đồng nhất với Thân- Tâm- Cảnh nhưng luôn hằng nhận biết.
Con người chân thật này luôn tĩnh lặng. Bạn đừng lầm sự Tĩnh Lặng này là đối nghịch với tiếng động, ồn ào. Sự Tĩnh Lặng của con Người chân thật bên trong chúng ta vượt lên trên sự im lắng- ồn ào và nhận biết rõ sự im lắng- ồn ào.
Khi bạn sống với con Người ấy. Ngay giây phút ấy suối nguồn Bình An và Phúc Lạc bên trong bạn sẽ luôn tuôn chảy. Bạn không cần một điều kiện gì để hạnh phúc, bạn cứ thế hạnh phúc và mỉm cười.
Nhưng làm sao ta có thể khám phá ra con Người chân thật này để chạm vào được suối nguồn của Hạnh Phúc và Bình An mà không cần điều kiện bên ngoài.
Điều này thôi đã làm cho chúng ta khó hiểu rồi phải không? Bạn khó hiểu bởi vì chính thói quen suy tư và nhận thức làm cản trở bạn nhận ra điều này, nhận ra con Người chân thật của chính bạn.
Bạn khó hiểu bởi thói quen phản ứng của bạn trước một tình huống xảy ra trong giây phút đang là.
Bạn khó hiểu bởi bạn thường chạy đuổi theo những ý niệm về hạnh phúc mà chính bạn tạo dựng trong tâm trí. Bạn khó hiểu bởi vì bạn đang dùng tâm trí để suy tư, để tìm hiểu.
Con Người chân thật của mỗi chúng ta luôn hiện hữu tròn đầy nơi thực tại đang là. Nhưng ngay giây phút ta suy tư, tìm hiểu, ngay giây phút ta khởi lên những ý niệm, khái niệm thì đã xa rời thực tại. Và khi xa rời thực tại thì ta cũng xa rời con Người chân thật ấy.
Khi còn ở nhà, khi ở trường học không có ai dạy ta, chỉ cho ta rằng có một thứ hạnh phúc không cần điều kiện đang tồn tại. Điều mà ta được học, được chỉ là muốn hạnh phúc thì phải có, phải đạt được một điều gì đó.
Con muốn hạnh phúc thì phải học giỏi. Anh muốn hạnh phúc thì phải có bằng cấp, sự nghiệp. Chị muốn hạnh phúc thì phải lấy một người chồng thành công.
Nhưng không ai nói cho ta biết rằng nếu bạn muốn hạnh phúc thì phải trở về với chính mình. Phải tìm ra được con Người chân thật luôn bình an, hạnh phúc bên trong chính bạn.
Vậy, làm cách nào để nhận ra con Người chân thật ấy?
Sự thực tập đầu tiên là bạn cần phải tập khả năng quan sát. Quan sát điều gì? Quan sát những khoảng trống giữa hai hơi thở. Khoảng trống âm thanh giữa hai nốt nhạc, khoảng trống giữa hai lời nói của bạn, khoảng trống giữa hai ý niệm, tư tưởng và quan sát sự im lặng ngay khi bạn không nói gì.
Bạn cứ quan sát, quan sát, quan sát… như thế.
Khi thuần thục bạn bắt đầu nhận ra tâm Thuần Khiết, Tĩnh Lặng, Bình An bên trong bạn. Và tôi nói đây chính là con Người chân thật của mỗi chúng ta.
Rồi bạn nhận ra rằng không những tư tưởng, âm thanh, lời nói từ đây phát khởi, từ đây biểu hiện, mà cả tia nắng, dòng sông, áng mây, thiên hà và đại địa cũng được biểu hiện từ Cội Nguồn Tâm thuần khiết này.
Nếu bạn theo đạo Cơ Đốc thì giây phút này bạn nhận ra được Chúa đang ngự trị và luôn ngự trị nơi bạn. Bạn thấy được rằng tình yêu thương của Thiên Chúa vô cùng bao la. Chúa thật sự là Đấng sáng tạo. Và Chúa không ngoài bạn, không ngoài tâm thuần khiết trong sáng. Thiên Chúa không hình tướng nhưng vô biên trùm khắp. Và giây phút bạn kẹt vào ý niệm hình tướng của Chúa, bất cứ hình tướng nào tâm trí tạo dựng, bạn sẽ xa rời Thiên Chúa bạn sẽ không thể nhận ra Thiên Chúa.
Và tâm thuần khiết, trùm khắp này không khác hơn là Đại Ngã mà Ấn Giáo nói về và Vô Ngã mà Đạo Phật nhắc đến. Vì sao Vô Ngã vì tâm ấy không hình, không tướng, không diễn bày được bằng bất cứ một ý niệm nào, không phải là một cái gì để nó có một cái Ngã nào đó, do đó nên tạm nói Vô Ngã. Tâm ấy Lão Tử nói nó là Đạo.
Ngay tại nơi đây, tinh hoa của mọi Tôn Giáo được gặp nhau. Và cũng giây phút bạn nhận ra con Người chân thật này bạn lập tức trở nên con Người của Phi Tôn Giáo.
Bạn nhận ra được Cội Nguồn của mọi Tôn Giáo thật không lìa xa con Người chân thật của chính bạn.
Những hình thức tôn giáo tù túng không còn thích hợp với bạn nữa. Vì giờ đây bạn đã biết bạn là ai, sự tự do của bạn lớn đến mức nào.
Bạn không còn là người của Tôn Giáo nhưng bạn ôm trùm được tất cả mọi tôn giáo diễn đạt Chân lý và Tình Yêu.
Bạn đã tìm ra chính bạn, bạn đã nhận ra được con Người chân thật của chính mình.
(Trích sách “Chân Lý và Sự Tĩnh Lặng”- Tác giả Pháp Nhật)

Published by

X